Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Macadamia: Hạt ngon nhất, đắt nhất

Hạt macadamia là loại hạt ngon nhất, có vỏ cứng nhất, tốn nhiều công chăm sóc nhất và là loại hạt mắc nhất thế giới. Vì vậy, không quá phóng đại khi trao cho Macadamia “vương miện” hoàng hậu các loại quả khô.

Nếu bạn là người yêu thích ẩm thực thì không thể không một lần thưởng thức ngắm nhìn, hoặc nghe qua danh tiếng của hạt macadamia, còn được biết đến với tên gọi mắc-ca, loại quả hạch đắt đỏ nhất thế giới.

Chân dung “nữ hoàng”

Mắc-ca là loại cây quả lạ. Vùng sinh thái phù hợp để trồng cây này rất hạn hẹp. Yêu cầu của nó về môi trường sinh thái như nhiệt độ không khí, lượng mưa, gió, thổ nhưỡng… rất khắt khe, đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư lớn.

Cây mắc-ca bắt đầu cho thu hoạch từ năm thứ 4-5 trở đi. Mỗi cây ra rất nhiều hoa, mỗi hoa đương sắc có từ 100-300 hoa nhưng tỉ lệ đậu bông chỉ là 0,1-0,3%, khí hậu không thuận lợi có thể không đậu quả. Quả mắc-ca có hình trái đào hoặc tròn như hòn bi. Khi chín quả chuyển từ xanh sang nâu. Khi vỏ khô sẽ tự nứt và rụng xuống đất bên trong có chứa hạt. Hạt mắc-ca tròn như hạt nhãn, bên trong có màu kem sữa và láng bóng, đường kính hạt từ 2-3 cm. Hạt có vị thơm mềm như bơ và tan mịn trên đầu lưỡi khi cho vào miệng, có được điều này là do trong mắc-ca có chứa hàm lượng chất béo rất cao.
Macadamia: Hạt ngon nhất, đắt nhất - 1
Sau khi chín rụng với phần lớn vỏ quả đã tách sẵn, người dân có thể tách vỏ lấy hạt ngay tại vườn. Đối với những giống mắc-ca không tự tách hạt, khi trái chín và rơi xuống đất, người ta sẽ phải sấy khô nguyên trái, qua hai giai đoạn. Đầu tiên để nguyên vỏ ít nhất 2 tuần lễ trong bóng mát cho khô ráo, sau đó cho vào lò sấy khoảng 2-3 ngày ở nhiệt độ từ 40-43°C. Sau qui trình phơi sấy, lớp vỏ dày 3mm được rạch ra và được bóp bể một cách cẩn thận để khỏi phạm vào nhân. Sau đó người ta dùng máy để phân loại. Các nhân xấu sẽ được loại bằng phương pháp thủ công. Hạt nhân sẽ được xếp hạng theo độ lớn, nguyên vẹn, mẻ vỡ… Phần lớn hạt nhân sẽ được rang và xuất khẩu đi khắp thế giới.

Mắc-ca là loại cây quả khô quý hiếm, nhân của Mắc-ca có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc, hạt điều, hạnh nhân… Trong dầu mắc-ca có chứa tới 87% axit béo không no, trong đó có nhiều chất mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Ngoài ra còn chứa vitamin và khoáng chất như: canxi, sắt, phốt pho, magie… rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em. Mắc-ca cung cấp nguồn năng lượng dồi dào với hàm lượng calo cao gấp đôi so với các loại hạt khác, người mẹ mang thai ăn loại quả này sẽ giúp cho khẩu phần ăn của mình thêm phong phú và góp phần tích lũy năng lượng cho thai nhi. Omega-3 từ thực vật trong mắc-ca “vô tình” đưa loại hạt này vào danh mục “những loại hạt đặc biệt tốt cho sức khỏe tim mạch”

Macadamia: Hạt ngon nhất, đắt nhất - 2

Hạt mầm ẩm thực


Vỏ mắc-ca có nhiều tannin và protein, dùng làm thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi, thành phần hữu ích chính của quả mắc-ca là phần nhân – được xếp vào hàng thượng phẩm trong “kho hạt” phong phú của xứ sở bánh ngọt phương Tây. Mắc-ca có vị béo, ngọt, giòn tan, trung hòa gia vị làm cho món ăn thêm đậm đà, thường được dùng để ăn sống, luộc hoặc xào nấu. Từ lâu mắc-ca đã được đưa lên bàn ăn của các gia đình giàu có hoặc yến tiệc sang trọng. Nhân mắc-ca sau khi chiên ăn rất ngậy, bùi, có hương vị của bơ, là một loại thực phẩm cao cấp, ngon, bổ, giàu chất béo, giàu nhiệt năng, dùng để chế biến nhân bánh, chocolate, nước uống… góp phần tạo nên hương sắc mới lạ và làm tăng giá trị cho món ăn. Mắc-ca còn được xem là một trong những loại hạt giúp các chị em có thể thoải mái ăn vặt trong quá trình ăn kiêng.

Thơm ngon, bổ dưỡng và cho hiệu quả kinh tế cao… dễ hiểu vì sao tại Autralia – đất nước nắm giữ trữ lượng quả hạch lớn nhất này lại đặt cho mắc-ca danh hiệu “Hoàng hậu của các loại quả khô”.

Bên cạnh những đóng góp to lớn trong ẩm thực, mắc-ca còn là một sản phẩm làm đẹp cao cấp. Dầu mắc-ca rất được yêu thích trong lĩnh vực chăm sóc da. Được đánh giá cao vì có chứa khoảng 22% các axit omega-7 palmitoleic, dầu mắc-ca là giải pháp thay thế dâu chồn – một trong những “thần dược” cho làn da phụ nữ.

Giòn, bùi, thơm, béo ngậy, cách ăn và chế biến rất phong phú, hạt mắc-ca từ lâu đã vươn ra khỏi Châu Úc, trở thành hoàng hậu của các loại quả khô – mỹ từ mà người ta thường dùng để nói về mắc-ca.

Theo gió lan xa

Mắc-ca có nguồn gốc từ các rừng cận nhiệt đới Châu Úc. Nhà khoa học và thực vật học Đức, Ferdinand von Mueller đã tình cờ khám phá ra mắc-ca và đặt tên cho chúng theo tên của một người bạn đã qua đời là Dr. John McAdam. Chuyến du lịch thế giới của cây mắc-ca bắt đầu vào năm 1882, khi chúng được vận chuyển một cách bí mật đến Hawaii. William H, Purvis dự định trồng mắc-ca làm bờ rào chắn gió cho các nông trường mía. Tuy nhiên mùi vị ngào ngạt của hoa trái mắc-ca đã làm cho chính chúng tự nổi tiếng. Nông trại trồng mắc-ca đầu tiên được hình thành trên quần đảo Thái Bình Dương. Tuy nhiên mãi đến năm 1960, cây mắc-ca mới du nhập vào Âu Châu, dù vậy, hiện nay đây là một trong 3 loại hạt được đánh giá cao nhất tại châu lục này.

Úc Châu hiện là nơi nắm giữ vị trí “thống lĩnh” của loại cây đặc biệt này với 600 nông trại (2 triệu cây), Hawaii xếp thứ hai. Phần còn lại “vào tay” New Zealand, Nam Phi, Kenia, Malawi, Israel, Brazil, California và Paraguay. Tại Việt Nam, từ năm 1994 cây mắc-ca đã được đưa vào trồng thử nghiệm ở Ba Vì, Đắc Lắc, Sơn La, Phú Thọ.
Theo Huyền Châu (Món ngon Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét